3 điều bạn nên biết về viêm mũi dị ứng
3 điều bạn nên biết về viêm mũi dị ứng
22/12/2021
Lượt xem 272

I - Triệu chứng phổ biến?

Viêm mũi dị ứng là đáp ứng viêm của niêm mạc mũi khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng (phấn hoa, bụi, nấm mốc, lông chó mèo,...) theo đường hô hấp. Các triệu chứng điển hình được chia thành 3 nhóm chính:

1. Triệu chứng tại mũi: hắt hơi, nghẹt mũi, chảy mũi trong, ngứa mũi

2. Triệu chứng ngoài mũi: ngứa tai, ngứa họng, ngứa mắt kèm chảy nước mắt (có thể đi kèm viêm kết mạc dị ứng)

3. Giảm chất lượng cuộc sống: mất ngủ, mệt mỏi, kích thích, lo lắng, trầm cảm, giảm tập trung, tăng động giảm chú ý

 

 

II - Những biến chứng của bệnh viêm mũi dị ứng

1. Viêm kết mạc dị ứng

Khoảng 60% bệnh nhân viêm mũi dị ứng có đồng mắc viêm kết mạc dị ứng. Viêm kết mạc dị ứng gây ra các biểu hiện lâm sàng như ngứa, chảy nước mắt, phù kết mạc, sung huyết kết mạc, chảy dịch, cảm giác nóng rát, sợ ánh sáng. Phù mi mắt thường thấy ở bệnh nhân viêm kết mạc dị ứng. Các triệu chứng thường đối xứng ở cả hai mắt.

2. Viêm mũi

Viêm mũi do viêm mũi dị ứng có thể gây tắc nghẽn các xoang thuộc phức hợp xoang đổ vào xoang mũi giữa, do đó dẫn đến nhiễm trùng các xoang này. Điều này xảy ra ở khoảng 30% viêm xoang cấp và 80% viêm xoang mạn do vi khuẩn.

3. Hen phế quản

Khoảng 50% bệnh nhân hen phế quản có viêm mũi dị ứng.

4. Hội chứng dị ứng khoang miệng

Hội chứng dị ứng khoang miệng (Oral allergy syndrome) là một dạng của dị ứng thức ăn xuất hiện ở những người nhạy cảm với phấn hoa. Bệnh nhân thường than phiền ngứa và/hoặc phù nề nhẹ vùng họng và miệng ngay sau khi dùng một loại thực phẩm chưa chế biến nào đó (như táo, đào, cherry, một vài loại đậu) hoặc rau sống. Triệu chứng như chàm tiếp xúc này xảy ra ở hầu họng gây ra bởi các protein liên quan đến phấn hoa trong các loại thức ăn này.

5. Viêm tai giữa cấp

Viêm mũi dị ứng liên quan mật thiết và có thể có liên quan nhân quả đến rối loạn chức năng vòi eustache, gây viêm tai giữa cấp.

6. Rối loạn giấc ngủ

Tắc mũi do viêm mũi dị ứng nặng có thể gây rối loạn giấc ngủ, rối loạn thở lúc ngủ (sleep-disordered breathing).

 

 

III - Cách điều trị và đề phòng?

Theo Khuyến cáo mới nhất của Hiệp hội Tai mũi họng và phẫu thuật đầu mặt cổ Hoa Kỳ (AAO-HNS) năm 2015, bạn có thể điều trị viêm mũi dị ứng bằng cách:

1. Dùng thuốc: Đơn trị liệu hiệu quả nhất cho bệnh nhân có triệu chứng đáng kể về mũi dai dẳng là xịt glucocorticoid nội mũi. Các thuốc khác bao gồm kháng histamin đường uống, kháng histamin nội mũi, ổn định tế bào mast (cromoglycate), kháng leukotriene, và ipratropium. Các thuốc co mạch mũi dạng xịt (như phenylephrine, oxymetazoline) và glucocorticoid dạng uống không nên dùng thường xuyên trong điều trị viêm mũi dị ứng.

 

2. Tránh dị ứng nguyên: Bác sĩ lâm sàng có thể khuyên tránh dị ứng nguyên đã biết hoặc có thể khuyên kiểm soát yếu tố môi trường (như loại bỏ thú nuôi, dùng hệ thống lọc không khí, bọc lại giường ngủ, và dùng acaricide (hóa chất diệt mạt nhà) trên bệnh nhân viêm mũi dị ứng đã xác định dị ứng nguyên liên quan với triệu chứng lâm sàng.

 

3. Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp miễn dịch đặc hiệu cho dị ứng nguyên (Allergen specific immunotherapy, AIT) là liệu pháp có khả năng làm cải thiện viêm mũi dị ứng lâu dài. Hiện có hai đường dùng là dưới da và dưới lưỡi. Hiệu quả ngăn các triệu chứng viêm mũi dị ứng có thể được duy trì đến 2 đến 3 năm khi áp dụng liệu pháp này.

 

 

IV - Một số lưu ý khác

- Tránh tiếp xúc với các dị ứng nguyên là cách tốt nhất để đề phòng các triệu chứng viêm mũi dị ứng.

Viện Dị ứng, Hen phế quản và Miễn dịch Hoa Kỳ (AAAAI) khuyên cáo nên bắt đầu dùng thuốc trước khi mùa dị ứng đến. Nếu bạn nhạy cảm với phấn hoa vào mùa xuân, bạn có thể bắt đầu dùng thuốc kháng histamin trước khi phản ứng dị ứng có cơ hội xảy ra.

 

- Chú ý giữ vệ sinh mũi: Dùng nước muối sinh lý dạng xịt mũi hoặc lượng lớn để rửa mũi giúp rửa trôi dị ứng nguyên ở đường mũi. Nước muối sinh lý có thể được dùng riêng lẻ khi có các triệu chứng ở mức độ nhẹ hoặc sử dụng trước khi dùng các thuốc nội mũi khác để giúp làm sạch niêm mạc mũi trước khi dùng thuốc. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý có thể được thực hiện khi cần thiết, ít nhất 1 lần/ngày, hoặc nếu triệu chứng nhiều thì có thể dùng 2 lần/ngày.

 

- Hiện có nhiều loại dụng cụ có sẵn trên thị trường dùng để rửa mũi, có thể dùng chai bóp hoặc ống syringe. Các dụng cụ này cần đưa được lượng nước muối sinh lý đủ lớn vào mũi, khoảng >200 mL mỗi bên mũi.

 

- Tránh tự ý cho tay vào mũi làm tổn thương niêm mạc.

 

- Ăn đủ các chất dinh dưỡng, bổ sung thêm nhiều trái cây, rau xanh vào thực đơn ăn uống và có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng của cơ thể cũng là một cách để đề phòng bệnh viêm mũi dị ứng nói riêng và các bệnh khác nói chung.

 

Qua những chia sẻ trên, bewell mong rằng bạn sẽ quan tâm bản thân hơn, lưu ý các dấu hiệu bất thường của cơ thể và chăm chỉ kiểm tra sức khỏe định kỳ để ngăn ngừa và điều trị kịp thời những căn bệnh không mong muốn.

bewell hỗ trợ bạn đặt hẹn, nhắc lịch và tiếp cận những thông tin hữu ích một cách nhanh chóng. Mọi thắc mắc liên quan sức khỏe, đừng ngần ngại để lại tin nhắn cho chuyên gia trên ứng dụng bewell bạn nhé.

 

Bài viết có hữu ích?
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất theo chủ đề
95-97 Nguyễn Cơ Thạch, An Lợi Đông,
TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh
96 Street 6A, Hamlet 5, Binh Hung Ward,
Ho Chi Minh (Địa chỉ cũ)
hello@bewell.vn(+84) 28 7300 5569
Theo dõi bewell tại:
Tải ứng dụng
Giấy CNDKDN số 0309532909 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 06/01/2010
@2021 - Bản quyền Công ty Cổ Bewell